Thứ hai,30/12/2024
Chào mừng Quý vị và các bạn đến trang web trường Tiểu học Âu Cơ

Tư vấn tâm lý học đường: Không để ‘bình mới rượu cũ’

Quản Trị 04/01/2018 Lượt xem:84

Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Nhưng việc thiếu vắng chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản mà thay vào đó đại diện lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học… khiến nhiều người lo ngại về hiệu quả đạt được của công tác tư vấn tâm lý học đường sau khi được triển khai.

Tư vấn học đường cần được tiến hành thực chất hơn. (Nguồn: Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh).

Trong thực tế không phải đến bây giờ Bộ GDĐT mới quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường mà nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ cũng đã nhấn mạnh cần coi trọng công tác này trong trường học.

Gần đây nhất, Thông tư 31 lại tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết thành lập tổ tư vấn trong trường học, yêu cầu nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng, xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Học sinh cũng được tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học).

Nhìn vào chuỗi các nội dung được liệt kê, có thể thấy đó đều là những nội dung cần thiết được hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình phát triển của mỗi học sinh. Nhưng nếu cho rằng đây là bản chất của công tác tư vấn tâm lý thì dường như chưa đúng, chưa đủ.

Theo các chuyên gia tâm lý, tư vấn tâm lý là một công việc đặc thù đòi hỏi tính độc lập chuyên nghiệp của chuyên viên tư vấn. Với diễn biến tâm lý học trò ngày càng phức tạp, các em rất cần một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng mình. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp chỉ cần lắng nghe, chia sẻ những tâm tư của học sinh, không nhất thiết phải đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn nào.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu của tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội… nhiều ý kiến băn khoăn không rõ với ngần ấy thành viên, công tác tư vấn tâm lý sẽ đạt hiệu quả đến đâu?

Đặc biệt, nếu để thầy cô giáo làm công tác kiêm nhiệm thì học sinh nào dám thẳng thắn chia sẻ những tâm tư của mình, nhất là những bức xúc trong quá trình học tập, quan hệ với thầy cô và các bạn ở trường?

Vụ việc cụ thể ở Trường THPT Núi Thành (Quảng Nam) khi học sinh vì bức xúc tình trạng bị ép đi học thêm của một số thầy cô giáo trong trường đã phải viết tâm thư lên mạng xã hội đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của công tác tư vấn tâm lý học đường. Nếu như các em được một chuyên viên tư vấn tâm lý sớm, được thoải mái giải bãy mà không lo sợ bị “trù dập”… thì chắc chắn không cần phải đưa sự việc lên mạng xã hội.

Giả sử, tổ tư vấn tâm lý được thành lập rồi thì em học sinh này có dám giãi bày không khi thành viên toàn là lãnh đạo nhà trường, là thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, trong đó không loại trừ có thầy cô đang tổ chức dạy thêm, là đối tượng học sinh này chỉ ra trong bức thư là “ép học sinh đi học thêm”?

Việc thành lập tổ tư vấn tâm lý là hết sức cần thiết nhưng nếu thực hiện như chỉ đạo trong Thông tư 31 thì chẳng khác nào “có cũng như không”. Cái học sinh thực sự cần là những người có thể sẵn sàng lắng nghe các em chia sẻ, hỗ trợ các em khi gặp khó khăn chứ không phải thêm một tổ chức để giám sát hay “lên lớp”, giảng giải các em phải làm thế này, thế kia mới đúng.

Vì thế, những giáo viên có kinh nghiệm sống, có uy tín và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý cũng không thể thay thế vai trò của một chuyên gia tư vấn tâm lý riêng biệt tại trường học.

Mặc dù vậy, hiện nay trong biên chế của trường học vẫn chưa có quy định cụ thể cho vị trí này nên chủ yếu vẫn các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, trao đổi thường xuyên với học sinh nhất.

Được biết, Sở GDĐT TPHCM đã chính thức đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị trong các cơ sở giáo dục. Đây cũng là mong muốn của nhiều trường để có cơ sở bổ sung vào “quỹ lương” hay “quy chế chi tiêu nội bộ” của đơn vị mình về vị trí công việc cần thiết này.

   Lam Nhi daidoanket

2018-01-04T12:58:30+00:00